Hôm nay: Thứ 6, Ngày 01/11/2024
Mổ xẻ dự án chậm tiến độ
12/26/11

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, hiện nay có nhiều dự án đầu tư xây dựng chậm tiến độ, vượt tổng mức đầu tư được duyệt, chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều tranh chấp trong quá trình thực hiện. Những bức xúc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của hầu hết các dự án ở Việt Nam hiện nay vừa được giới chuyên môn mổ xẻ tại Hội thảo khoa học mới đây.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, hiện nay có nhiều dự án đầu tư xây dựng chậm tiến độ, vượt tổng mức đầu tư được duyệt, chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều tranh chấp trong quá trình thực hiện. Những bức xúc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của hầu hết các dự án ở Việt Nam hiện nay vừa được giới chuyên môn mổ xẻ tại Hội thảo khoa học mới đây.

Nghìn lẻ lý do chậm tiến độ

Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, sở dĩ các dự án chậm tiến độ do quy định của Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư liên quan đến chủ đầu tư, lựa chọn nhà thầu tư vấn, giám sát, thi công xây lắp... còn nhiều điểm chồng chéo chưa phù hợp. “Vừa rồi đoàn công tác xây dựng có đến Hải Dương khảo sát. Một tỉnh nhỏ như vậy nhưng thủ tục chuẩn bị đầu tư trình xây dựng nhỏ nhất cũng tới 17 con dấu. Một Cty TNHH với đầy đủ chức năng từ tư vấn, giám sát, thi công, xây lắp... chỉ có 3 nhân viên, 1 giám đốc và 2 phó giám đốc. Trình độ của ông giám đốc là thợ nề lớp 7... Rõ ràng, với thủ tục đầu tư và chủ đầu tư như vậy thì làm sao mà công trình không chậm tiến độ”, ông Hùng nói.

Công tác đền bù GPMB là nguyên nhân chính gây ra tình trạng chậm tiến độ dự án như hiện nay. Việc thực hiện “mặt bằng sạch” rất ít dự án được thực hiện. Đặc biệt là vai trò hoạt động của các địa phương còn thiếu chuyên nghiệp. Ngay tại Hà Nội, dự án vành đai 1 đến 10 năm nay vẫn chưa xong do khâu đền bù GPMB chậm trễ”, ông Hùng cho hay. Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phương - Tổng giám đốc Cty CP VINACONEX cho rằng, GPMB luôn là một bài toán phức tạp đối với bất cứ chủ đầu tư nào khi triển khai dự án ở Việt Nam do tính chất rộng lớn, đòi hỏi phải triển khai đồng loạt và dứt điểm. Trong một số trường hợp không xử lý khéo dễ dẫn đến tình trạng bất bình của chính quyền, người dân khu vực và dẫn đến tình trạng dự án “treo”, đình trệ, chậm tiến độ triển khai.

Một vướng mắc cho chủ đầu tư khi triển khai GPMB theo ông Phương, do chính quyền tỉnh ban hành khung giá đất vào ngày 01/01 hằng năm và thấp hơn nhiều so với thực tế. Trong khi đó, người dân yêu cầu tính giá đất đền bù “sát giá thị trường” tại thời điểm giao đất. Tại những vị trí mà các nhà đầu tư tư nhân phải cạnh tranh để có đất và phải đấu thầu, chính quyền áp một giá thấp hơn giá mà nhà đầu tư tư nhân trả, dẫn đến khiếu nại của người dân.

Bổ sung thêm chế tài xử phạt

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53 (ngày 04/4/2007) về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư và Nghị định số 23 (ngày 27/02/2009) về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS... nhưng đến nay hầu hết các chủ đầu tư và nhà thầu chưa thấy ai xử phạt. Vì vậy, cần bổ sung các quy định và chế tài đủ mạnh đối với chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn, thi công, kể cả đối với các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và quyết định đầu tư, các cơ quan có trách nhiệm phối hợp theo quy định.

Ông Phạm Văn Khương - Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong mỗi nội dung, mỗi khâu công việc, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với địa phương, giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, chủ động trong việc giải quyết các vướng mắc phát sinh để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và thực hiện dự án, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ theo quy định và tăng cường thực hiện công tác thanh kiểm tra trong việc thực thi công vụ của cán bộ công chức, nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm quy định.

Ngoài ra, ông Lê Đức Vinh - Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cũng đề xuất với các cơ quan làm Luật Xây dựng phải có chế tài đủ mạnh đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động tư vấn xây dựng. Hiện nay, các tổ chức và cá nhân tư vấn này hầu như không chịu trách nhiệm gì khi khảo sát thiếu hoặc tính sai, trừ trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng như đổ, sập công trình.

Ngọc Mai
Khách hàng và Đối tác IDICO CONAC