Hôm nay: Thứ 6, Ngày 17/01/2025
Nỗ lực cải thiện chỗ ở cho người dân
04/04/11
Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nỗ lực cải thiện chỗ ở cho người dân

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Quan điểm

Phát triển nhà ở phải trên cơ sở quy hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng vùng và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu phân bố dân cư và lao động; sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai; bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhà nước định hướng thông qua cơ chế, chính sách và chủ động tham gia thị trường để điều tiết giá cả nhà ở bảo đảm phù hợp với thu nhập của các tầng lớp dân cư, bảo đảm tính công khai, minh bạch.


Ảnh: Duy Tường

Mục tiêu

Phấn đấu đến năm 2020 đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở của các tầng lớp dân cư với chất lượng, tiện nghi, giá cả phù hợp với điều kiện kinh tế của đất nước và khả năng thu nhập của từng hộ gia đình, cá nhân; xóa nhà ở đơn sơ; từng bước nâng cao chất lượng, diện tích nhà ở; tạo điều kiện để những người có khó khăn về nhà ở được tiếp cận nhà ở; bảo đảm hoàn thành các mục tiêu cơ bản về nhà ở và an sinh xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020;

Tầm nhìn đến năm 2030: Phát triển nhà ở chuyển từ giai đoạn phấn đấu đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng sang giai đoạn hoàn thiện về tiện nghi và thẩm mỹ. Thu hẹp khoảng cách về chất lượng nhà ở và môi trường sống tại khu vực nông thôn với khu vực thành thị, hướng tới chất lượng xây dựng và tiện nghi nhà ở tại khu vực nông thôn tương đương nhà ở tại khu vực đô thị. Phấn đấu nâng diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 30m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người.

Phát triển đa dạng các loại nhà ở và quy mô diện tích căn hộ, tăng tỷ trọng nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực đô thị, chú trọng phát triển các căn hộ có quy mô diện tích nhỏ, trung bình để đáp ứng nhu cầu của các hộ độc thân, hộ gia đình trẻ hoặc đã về hưu với giá cả phù hợp; đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại để cho thuê.

Đẩy mạnh phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng xã hội có khó khăn về nhà ở là học sinh, sinh viên, công nhân tại các KCN, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo tại khu vực nông thôn, hộ gia đình sinh sống tại khu vực thường xuyên bị thiên tai.

Định hướng

Tại khu vực đô thị, phát triển nhà ở đô thị chủ yếu theo dự án, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy hoạch; tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng, phù hợp với nhu cầu của thị trường; xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà ở xây thô trong các dự án phát triển nhà ở; chấm dứt tình trạng xây dựng nhà ở tự phát. Phát triển nhà ở phải gắn với việc cải tạo, chỉnh trang đô thị nhằm giảm mật độ dân cư tại các đô thị trung tâm; thực hiện cải tạo nhà ở theo hướng hợp khối, nâng cao tầng, giảm mật độ xây dựng để dành diện tích đất cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Tại khu vực nông thôn, từng bước thực hiện phát triển nhà ở tuân thủ quy hoạch; hình thành các điểm dân cư nông thôn có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo đảm phù hợp với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn nhân dân xây dựng nhà ở với kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện sản xuất, đặc điểm tự nhiên và tập quán sinh hoạt của từng vùng, miền, bảo đảm sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất đai và hợp vệ sinh; kết hợp kỹ thuật xây dựng truyền thống với kỹ thuật xây dựng hiện đại để đảm bảo chất lượng, có khả năng chống chọi với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Giải pháp

Bố trí đủ quỹ đất để phục vụ nhu cầu phát triển nhà ở. Rà soát pháp luật về đất đai để đơn giản và minh bạch trong trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường. Có cơ chế tạo điều kiện để người có đất bị thu hồi được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch. Nhà nước chủ động tạo quỹ đất sạch thông qua các tổ chức phát triển quỹ đất, các DN thực hiện dịch vụ về bồi thường, giải phóng mặt bằng chuyên nghiệp để thực hiện đấu giá đất xây dựng nhà ở. Nhà nước định hướng, điều tiết và chi phối thị trường đất đai sơ cấp, ổn định khung giá đất trong thời gian nhất định thay thế phương án ban hành khung giá đất hàng năm hiện hành...

Tại các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm cần quy hoạch các dự án nhà ở có quy mô lớn từ 500ha trở lên; quy hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị phải gắn với việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, kết nối hệ thống hạ tầng giữa các khu nhà ở, giữa đô thị cũ với KĐTM. Tại khu vực nông thôn, gắn việc quy hoạch phát triển nhà ở với việc xây dựng nông thôn mới; Nhà nước hỗ trợ đẩy nhanh công tác lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng để chỉnh trang, đồng bộ hóa các làng, xóm cũ, tạo điều kiện sản xuất, sinh hoạt thuận lợi cho khu vực nông thôn, giảm áp lực di dân vào khu vực đô thị.

Nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý làm cơ sở để hình thành hệ thống tài chính nhà ở hoàn chỉnh; khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính cho phát triển nhà ở, đặc biệt là các nguồn tài chính trung và dài hạn, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này. Củng cố và phát triển thị trường thế chấp nhà ở sơ cấp, hình thành và phát triển thị trường thế chấp nhà ở thứ cấp; xây dựng chính sách bảo hiểm, bảo lãnh cho vay thế chấp, cơ chế tín dụng phù hợp, kể cả tín dụng nhỏ để phát triển nhà ở; tạo điều kiện cho mọi đối tượng có nhu cầu, đặc biệt là các đối tượng xã hội được tiếp cận các nguồn vốn cho mục đích cải thiện nhà ở. Hạn chế tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch nhà ở. Hoàn thiện chính sách thuế sử dụng đất, thuế tài sản nhằm khuyến khích sử dụng có hiệu quả nhà ở và hạn chế đầu cơ; thực hiện đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp sử dụng nhiều nhà ở, đất ở; áp dụng mức thuế thu nhập cá nhân cao đối với hoạt động mua bán nhà ở trong thời gian ngắn; ưu đãi thuế đối với các dự án phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội...

Giai đoạn từ năm 2011-2020 cần tập trung thực hiện:

- Đầu tư xây dựng khoảng 600 nghìn căn nhà, tương đương khoảng 30 triệu m2 sàn nhà ở.

- Xây dựng khoảng 7,5 triệu m2 sàn nhà ở để cho sinh viên thuê.

- Đầu tư xây dựng khoảng 500 nghìn căn, tương đương khoảng 24 triệu m2 sàn nhà ở để giải quyết chỗ ở cho công nhân lao động tại các KCN.

- Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ khu vực ĐBSCL (giai đoạn 2) theo các cơ chế chính sách hiện hành và hoàn thành vào năm 2013.

- Hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn cải thiện nhà ở: Đến năm 2012 hỗ trợ cho khoảng 500 nghìn hộ; giai đoạn 2013 - 2015 hỗ trợ cho khoảng 200 nghìn hộ; giai đoạn 2015 - 2020 hỗ trợ khoảng 400 nghìn hộ.

- Tập trung đầu tư cải tạo, xây dựng lại khoảng 100 nghìn căn hộ chung cư xuống cấp, nguy hiểm, tương đương khoảng 3 triệu m2 sàn...

Phong Thư
Khách hàng và Đối tác IDICO CONAC