Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, đến nay tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch triển khai và tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chính sách, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trong lúc càng khó khăn càng phải quan tâm tốt tới
an sinh xã hội, đến đời sống nhân dân - Ảnh: Chinhphu.vn
Hội nghị giao ban trực tuyến báo cáo việc triển khai thực hiện những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội nêu trong Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ (NQ11) giữa Chính phủ và các địa phương diễn ra chiều nay (18/3) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Phối hợp hành động
Các báo cáo tại Hội nghị cho thấy, thực hiện NQ 11, đến nay tất cả các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch triển khai và tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, chính sách và đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng, lãi suất; bảo đảm tổng dư nợ tín dụng đến 31/12/2011 tăng dưới 20% và tổng phương tiện thanh toán tăng 15-16%; tăng cường quản lý ngoại hối, điều hành tỷ giá linh hoạt; kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.
Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản để chỉ đạo tăng cường quản lý thu, chống thất thu, phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2011 khoảng 7-8% so với dự toán; hướng dẫn tiết kiệm chi tiêu 10% so với dự toán trong 9 tháng còn lại của năm 2011, đồng thời tăng cường kiểm soát chi, phấn đấu giảm bội chi xuống dưới 5%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ra văn bản hướng dẫn thực hiện các giải pháp về đầu tư phát triển, không ứng trước vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2012, không kéo dài thời gian giải ngân chi đầu tư phát triển năm 2010 và năm 2011…
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách an sinh xã hội; nhất là đối với người nghèo, hộ nghèo…
Ảnh: Chinhphu.vn
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB… và nhiều nước đều hoan nghênh, ủng hộ các giải pháp, chính sách Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện thể hiện trong NQ11.
Một chuyển biến tích cực sau gần 1 tháng triển khai thực hiện NQ11 là lãi suất huy động và cho vay đã giảm xuống một mức và ổn định hơn so với trước. Lãi suất huy động từ 16-17% giảm xuống 13-14%, tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay.
Thị trường ngoại hối bước đầu đã lập lại trật tự theo quy định của pháp luật. Kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tự do được xóa bỏ; số ngoại tệ thu đổi, gửi tại các ngân hàng thương mại tăng nhanh; thị trường mua bán vàng miếng đang dần ổn định và dao động theo giá vàng thế giới.
Những kết quả tích cực bước đầu trong việc thực hiện NQ11 đã tạo không khí phấn khởi, niềm tin của toàn xã hội đối với sự lãnh đạo và chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu vẫn còn tồn tại, hạn chế như công tác tuyên truyền, phổ biến và giải thích rõ về các giải pháp, chính sách mới, nhất là các giải pháp tăng cường quản lý ngoại tệ và vàng có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nặng về thông tin những khó khăn nhất thời cục bộ, nên trong thời gian đầu cũng gây tác động tâm lý không tốt đối với một bộ phận dân cư trong xã hội.
Việc xóa bỏ thị trường ngoại tệ tự do là đúng, nhưng chưa có chuẩn bị tốt để hệ thống các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng của người dân và nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu của doanh nghiệp…
Quyết thực hiện thắng lợi các mục tiêu của NQ 11
Lãnh đạo các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Lào Cai, Kiên Giang… cho biết, ngay sau khi NQ11 được ban hành, các địa phương đã tổ chức quán triệt, ban hành chương trình hành động cụ thể và quyết liệt.
Lãnh đạo các địa phương khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong việc chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện thắng lợi các nội dung của NQ11 trong đó trước mắt sẽ tập trung mạnh việc quản lý thị trường, giá cả, nhất là thị trường ngoại hối, thị trường vàng; tăng thu, chống thất thu; giảm chi tiêu ngân sách đối với các khoản chi tiêu chưa cần thiết; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân…
Hình ảnh tại các đầu cầu Hội nghị truyền hình trực tuyến - Ảnh: Chinhphu.vn
Nhiều địa phương đã lập được kế hoạch cắt giảm 10% chi tiêu công và bước đầu xác định được các con số cắt giảm cụ thể trong 9 tháng còn lại của năm 2011 như Hà Nội 88 tỷ đồng, Hải Phòng khoảng 97 tỷ đồng, Cần Thơ khoảng 45 tỷ, Lào Cai khoảng 36 tỷ đồng…
Nhiều địa phương đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tiết kiệm điện năng như Hải Phòng, đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải đăng ký chi tiết cho kế hoạch sử dụng điện của mình từng tháng, từng quý.
Lãnh đạo một số địa phương kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra và xử lý nghiêm các ngân hàng vi phạm quy định về lãi suất, có lộ trình giảm lãi suất huy động từ đó tiến tới giảm lãi suất cho vay; có giải pháp điều hòa, cung ứng nhu cầu ngoại tệ chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
“Chống lạm phát thiết thực nhất là phải đẩy mạnh sản xuất. Muốn vậy phải có lộ trình giảm lãi suất huy động từ đó tiến tới giảm lãi suất cho vay”, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền đề xuất.
Ông Dương Anh Điền cũng kiến nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp – một thế mạnh của Việt Nam.
Đồng quan điểm đề xuất Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho nông nghiệp, Chủ tịch UBND Hà Tĩnh Vũ Kim Cự kiến nghị Nhà nước có cơ chế đặc thù hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp xuất khẩu.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ Công Thương, Công an, Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cũng làm rõ một số vấn đề về chính sách quản lý thị trường, xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp, tiết giảm điện năng…
Nhấn mạnh hiện giá xăng dầu của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị các địa phương làm tốt hơn nữa công tác quản lý thị trường xăng dầu, tránh tình trạng xăng dầu bị xuất lậu sang các nước láng giềng.
Ngoài ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị 20 tỉnh còn lại trên toàn quốc sớm phê duyệt kế hoạch tiết kiệm điện năng trong thời gian từ nay tới hết tháng 3/2011. Hiện đã có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt kế hoạch này.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đề nghị các địa phương tích cực vào cuộc hơn nữa trong công tác quản lý thị trường ngoại hối; xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm; đồng thời cũng đề xuất các cơ quan chức năng sớm bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý trong quản lý thị trường ngoại hối với những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe
Ảnh: Chinhphu.vn
Càng khó khăn, càng phải quan tâm đến đời sống người dân
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các bộ, ngành địa phương đã quán triệt, nghiêm túc chỉ đạo triển khai thực hiện NQ11 với những kế hoạch cụ thể, biện pháp thực hiện đồng bộ… Nhờ đó, NQ 11 đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu.
Phân tích rõ những thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả NQ11; tiếp thu Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế-xã hội năm 2011; đặc biệt, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của mình, các địa phương cần đề ra những biện pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; duy trì sản xuất, kinh doanh theo hướng đi vào năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Về mục tiêu kiềm chế lạm phát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương rà soát đầu tư công, đảm bảo hiệu quả đầu tư theo đúng hướng dẫn; kiểm soát chặt chẽ giá cả, tỷ giá, ngoại tệ, thị trường vàng; kiểm soát lãi suất huy động và lãi suất cho vay hợp lý…
Quyết tâm cắt giảm 10% chi tiêu công; cố gắng giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5%. Việc cắt giảm chi tiêu công phải tính toán và được báo cáo ở con số cụ thể.
Các cuộc họp của bộ, ngành với các địa phương cần phải thực hiện qua hình thức họp trực tuyến nhằm tiết kiệm, tránh lãng phí. Tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thị trường, đi liền với đó là việc kiểm soát giá cả thị trường.
Tập trung ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp; từng địa phương rà soát, ưu tiên sản xuất những sản phẩm nông nghiệp được coi là lợi thế của mình (như tiên về về vốn, về điện, bao tiêu sản phẩm, về xuất khẩu...).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu đối với những sản phẩm được coi là thế mạnh của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, trong tình hình khó khăn này, phải quan tâm đặc biệt đến đời sống nhân dân, không để cho người dân nào bị đói, bị thất học…
“Trong lúc càng khó khăn càng phải quan tâm tốt tới an sinh xã hội, đến đời sống nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác thông tin truyên truyền, nêu rõ những việc đã làm được, những việc chưa làm được trong quá trình triển khai NQ11 nhằm tạo sự đồng thuận xã hội, chung sức chung lòng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2011. Đề nghị các Bộ, ngành chức năng tiếp thu ý kiến của các địa phương tại Hội nghị để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.